Rất nhiều người nhất là dân văn phòng buổi trưa họ thường tranh thủ chợp mắt một lúc nên ăn vội ăn vàng rồi đi ngủ, điều này ảnh hưởng tới sức khoẻ rất nhiều.
Anh Nguyễn Thế Ninh (sinh năm 1984, Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên bị đau tức ở ngực, anh nghĩ mình bị bệnh tim nên đi kiểm tra tim mạch. Kết quả, bác sĩ cho biết tim hoàn toàn bình thường. Khi nội soi dạ dày thực quản phát hiện anh Ninh bị trào ngược dạ dày.
Tìm hiểu lối sống sinh hoạt của mình, bác sĩ cho biết anh Ninh có thói quen ăn xong là ngủ trưa luôn. Anh Ninh kể ban ngày anh đi làm từ 7h sáng và đến 12h trưa mới được nghỉ trưa. Thời gian nghỉ trưa chỉ có 1,5 tiếng. Nếu anh không chợp mắt buổi trưa sẽ rất đau đầu nên tranh thủ thời gian nghỉ này anh nằm tạm ra sàn ngủ. Khi ngủ dậy anh hay bị nghẹn ở cổ rất khó chịu nhưng thời gian hạn hẹp không ngủ thì buổi chiều không làm được việc nên thành thói quen.
Một trường hợp khác, anh Đỗ Văn Hải (sinh năm 1989, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết trong 4 năm làm việc tại Trung Quốc anh đều phải ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương. Anh Hải làm ca từ 10h đêm tới 8h sáng ngày hôm sau. Sau khi tan ca, anh Hải lại tranh thủ về nhà ăn gì đó rồi lên giường đi ngủ luôn. Buổi chiều cũng tương tự, anh đều ăn tranh thủ rồi lại ngủ để làm ca đêm. Cứ như thế suốt 4 năm liền, nhiều lần thấy nóng rát thực quản, miệng luôn có mùi hôi. Nhiều lúc anh vô cùng tự ti. Cảm giác như nóng đốt cổ họng nhưng anh cũng không biết làm thế nào.
Ảnh minh họa.
Khi về Việt Nam, anh Hải đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cho biết anh bị viêm dạ dày, loét thực quản. Nguyên nhân chỉ vì suốt hơn 4 năm làm việc tại Trung Quốc anh có thói quen sinh hoạt ngược với nhịp sinh học nên dẫn tới nhiều bệnh lý. Không chỉ trào ngược thực quản, bác sĩ còn cho biết anh bị mỡ nội tạng rất nhiều.
BS.CKI Nguyễn Anh Kiệt – Khoa khám bệnh – Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ, cho biết người ta thường nói no bụng, chùng da mắt, khi ăn xong mọi người thường rất buồn ngủ. Tuy nhiên, ngủ ngay lúc đó lại rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
Theo bác sĩ Kiệt, sau khi ăn, nằm ngủ luôn rất dễ tạo dịch ứ ở dạ dày lên vùng thực quản tạo ra hiện tượng trào ngược thực quản. Sau ăn nên vận động đi lại, xem tivi để đỡ tình trạng trào dịch dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hoá trơn tru, dễ dàng hơn.
GS Đào Văn Long – nguyên Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, sau khi ăn nằm ngủ luôn thì đã mắt nhưng hại thân. Axit được sản sinh trong quá trình dạ dày tiêu hóa thức ăn. Khi ngủ co thắt thực quản dưới suy yếu, đóng mở bất thường. Thức ăn vừa ăn xong trong dạ dày chưa được tiêu hoá sẽ có cơ hội trào ngược ống thực quản, khiến ngực nóng rát, tác động vào niêm mạc thực quản gây viêm loét.
Khi ăn no nằm ngủ ngay, cơ quan tiêu hóa thức ăn bị trì hoãn gây ra tình trạng trao đổi chất chậm và không hiệu quả.
Rất nhiều nguy cơ khác mà chúng ta ít để ý tới. GS Long cho rằng bản thân người làm văn phòng thời gian hạn hẹp nhưng tốt nhất không nên ăn xong là nằm ngủ ngay mà nên giữ thói quen đi lại ít nhất sau 30 phút mới nghỉ.
Buổi tối cũng tương tự, không nên ăn xong đi nằm ngay, chờ cho thức ăn tiêu hóa từ dạ dày chuyển xuống ruột non, làm giảm triệu chứng ợ nóng, giảm nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – nguyên bác sĩ Khoa Nội tiết chuyển hóa BV Bạch Mai cũng cho biết thói quen xấu của dân văn phòng là ăn vội, ăn xong đi ngủ trưa ngay là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
Bác sĩ Cường cho biết tốt nhất nên nghỉ ngơi một chút sau ăn và ngủ 15 – 30 phút. Nếu ngủ quá lâu từ thì khi thức dậy não sẽ khởi động lâu hơn, làm việc lại không tập trung. Vì vậy ngủ tốt nhất chỉ “chợp mắt” 15 – 30 phút.
Những lưu ý khi uống omeprazole trị trào ngược dạ dày – thực quản
Gần đây tôi có hiện tượng ợ chua, buồn nôn… Đi khám bác sĩ cho biết tôi bị trào ngược dạ dày – thực quản và kê dùng omeprazole. Xin hỏi, trong quá trình dùng thuốc omeprazole có cần lưu ý gì không?
Lưu Thu Hồng (Hà Nội)
Trào ngược dạ dày thực quản là sự trào ngược dịch ở dạ dày lên thực quản. Đây là hiện tượng rất thường gặp. Người bệnh thường có các triệu chứng: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau tức ngực, đắng miệng…
Một trong những thuốc được bác sĩ kê dùng là omeprazole. Đây là thuốc ức chế sự bài tiết acid của dạ dày (nhóm ức chế bơm proton). Người bệnh cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, lưu ý liều lượng, số lần dùng thuốc trong ngày và liệu trình dùng thuốc.
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc như: nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt hoặc/và buồn nôn, đau bụng, táo bón…
Một số người có thể bị mất ngủ, nổi ban, mệt mỏi. Nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào, có thể chưa liệt kê ở đây, người bệnh đều phải trao đổi với bác sĩ để có lời khuyên thích hợp. Không được tự ý ngừng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Một điểm cần lưu ý nữa là sự tương tác bất lợi của omeprazol với các thuốc khác mà người bệnh đang dùng. Ví dụ, omeprazol có thể làm tăng nồng độ ciclosporin (thuốc giảm miễn dịch); làm tăng nồng độ diazepam (an thần), phenytoin (chống động kinh) và warfarin (chống đông m.áu) trong m.áu; tăng tác dụng chống đông m.áu của dicoumarol, nifedipin (thuốc tim mạch)… Vì thế, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc mà mình đang sử dụng, kể cả thuốc bổ, vitamin…