Tranh chấp quyền sử dụng đất

Ông A có mảnh đất 50m2 do thời ông cha để lại nên không có giấy tờ. Ông B là hàng xóm, cách đây 20 năm, ông B có sang mượn mảnh đất này để chăn nuôi. Gần đây, ông A cần sử dụng mảnh đất và đề nghị B hoàn trả nhưng ông B không đồng ý và tuyên bố đó là đất của mình và xảy ra tranh chấp.

Cả hai bên đều không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất, người làm chứng cho ông A đã mất nên hiện tại B đang sử dụng mảnh đất này. Luật sư cho hỏi, ông A cần làm gì để lấy lại được mảnh đất của mình? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.

Tranh chấp quyền sử dụng đất

thanhson98@…

tranhchapnhadat 1097
Hình minh họa

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN

Đầu tiên hai bên nên tự hoà giải hoặc nhờ UBND xã hoà giải. Luật đất đai quy định:

“Điều 202: Hoà giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”

Trường hợp, UBND xã hoà giải không thành, gia đình bạn cần gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 203 Luật đất đai 2013 như sau:

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Và Khoản 3 Điều này quy định:

Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Theo đó, bạn có thể yêu cầu UBND huyện giải quyết hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Theo CafeLand

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *