Trong dịp lễ 30/4 – 1/5 sắp tới, nhiều người chọn đi du lịch ở nhiều nơi khác nhau, việc ăn uống những đồ lạ, thay đổi nếp sinh hoạt ngày thường có thể gây nên một số bệnh về đường tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý thường xuyên gặp khi đi du lịch với tất cả mọi người. Nguyên nhân phần lớn đến từ yếu tố khách quan và cả bản thân người bệnh. Do vậy việc chủ động phòng ngừa rối loạn tiêu hóa giúp chuyến đi chơi trở nên trọn vẹn hơn.
Khi đi du lịch nhiều người dễ mắc các rối loạn tiêu hóa. (ảnh Hồng Ngọc)
Chia sẻ với phóng viên, bạn Mai Vy (24 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Mình thường xuyên gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, chỉ ăn một số món lạ miệng là sẽ dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, thậm chí là tiêu chảy. Do vậy, khi đi du lịch mình rất sợ gặp những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi”.
Rối loạn tiêu hóa là một bệnh lý hay gặp ở cả người lớn và trẻ em. Rối loạn tiêu hóa bao gồm một số biểu hiện như đau bụng, khó tiêu, đi ngoài… Nguyên nhân chủ yếu do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến loạn khuẩn ở đường ruột.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS. TS. BS Nguyễn Thị Vân Hồng – Nguyên Phó Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Một số biểu hiện của rối loạn tiêu hóa là tiêu chảy, táo bón hay ngộ độc thực phẩm, đa phần liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Khi chúng ta ăn mất cân đối giữa đường, đạm, giữa các chất xơ và khoáng chất, nhất là trong các dịp lễ Tết thì chế độ ăn uống rất thiếu chất xơ và khoáng chất nên gây rối loạn vận động tiêu hóa.
Khi có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa, vấn đề đặt ra là có phải trên người có bệnh lý từ trước hay không? Nếu như không phải người có bệnh lý từ trước thì đây là do chế độ dinh dưỡng,
Còn khi vận động của đường tiêu hóa bị rối loạn sẽ dẫn đến triệu chứng đầy bụng, chướng hơi. Khi đó chúng ta phải lo ngại đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bởi đó là tình trạng nhiễm khuẩn của đường tiêu hóa”.
BS. Hồng cũng thông tin thêm, một số người khi có biểu hiện của bệnh tiêu chảy liền điều trị bằng kháng sinh, đây là một sai lầm.
Khi đi du lịch, việc thường xuyên di chuyển nhiều địa điểm trong thời tiết nắng nóng dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu nước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thể trạng mệt mỏi, kém ăn và cơ thể không thích ứng được với một số đồ ăn tại địa phương đó dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Theo PGS. TS. BS Nguyễn Thị Vân Hồng: “Phải bổ sung đầy đủ những thành phần còn thiếu, đặc biệt là rau xanh và nước. Số lượng nước cơ thể cần mỗi ngày từ 1,5 lít – 2 lít nước thì mới giúp cho vận động của đường tiêu hóa tốt lên”.
Hạn chế ăn những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh ATTP. (ảnh Hồng Ngọc)
Việc tốt nhất để hạn chế rối loạn tiêu hóa là ăn chín uống sôi, hạn chế ăn những đồ ăn sống như món gỏi, tiết canh… Đồ ăn chưa được chế biến chín thường là những loại thức ăn không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ chứa mầm bệnh cao.
Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế ăn uống những thực phẩm được bày bán tại một số nơi không đảm bảo vệ sinh như trên bờ biển hay quán vỉa hè ven đường. Chúng ta nên chọn những nhà hàng hợp vệ sinh, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
PGS. TS. BS Nguyễn Thị Vân Hồng khuyến cáo, khi đi du lịch không nên ăn quá no vì không có điều kiện vận động. Từ đó, thức ăn được tiêu hóa chậm, dẫn đến sự mệt mỏi cho cơ thể.
Để tránh trường hợp xấu xảy ra, trước khi đi du lịch chúng ta nên chuẩn bị một số thuốc như oresol, loperamide… Có thể tham khảo tư vấn bác sĩ trước khi đi để chuẩn bị những thuốc cần thiết mang theo trong chuyến đi. Men vi sinh cũng là một bí kíp giúp bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa, giảm nhanh các triệu chứng khó chịu. Đây là vi sinh vật sống mà khi được đưa vào cơ thể với số lượng đủ sẽ giúp khôi phục sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột. Sau khi ăn, sử dụng men vi sinh là biện pháp nhanh nhất đánh bay triệu chứng khó tiêu, chướng bụng.
Theo các chuyên gia y tế, khi du khách có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, cần sơ cứu ngay lập tức bằng cách nôn ra nhằm tránh độc tố ngấm vào cơ thể. Đồng thời đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Rối Loạn Tiêu Hóa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị | SKĐS