Một số thức ăn và đồ uống chúng ta ăn hàng ngày có thể thúc đẩy hình thành mảng bám chứa đầy vi khuẩn bám vào răng hoặc bào mòn men răng. Theo thời gian sẽ dẫn đến bệnh nướu răng và sâu răng.
Nội dung
1. Ăn uống không hợp lý có thể gây bệnh răng miệng
Răng được bao phủ bởi một lớp bảo vệ cứng gọi là men răng. Đây là lớp ngoài cùng giúp bảo vệ răng khỏi các hoạt động hàng ngày như nhai, cắn… Men răng rất cứng nhưng nó vẫn có thể bị nứt vỡ và suy yếu bởi axit trong thực phẩm và đồ uống hàng ngày.
Men răng bị ăn mòn sẽ có biểu hiện nhạy cảm hơn khi ăn uống, ê buốt, đau răng, răng ố vàng… Các tổn thương, lỗ sâu sẽ hình thành bên trong hoặc trên bề mặt răng.
Thực phẩm bám vào răng của chúng ta có nhiều khả năng thúc đẩy sâu răng nhất. Tất cả các loại đường và hầu hết các loại thực phẩm giàu tinh bột đều là những chất kích thích mảng bám chính. Đường kết hợp với mảng bám làm suy yếu men răng khiến bạn dễ bị sâu răng. Càng tiêu thụ nhiều đường, càng nhiều axit được tạo ra sẽ dẫn đến sâu răng.
Đường và tinh bột trong thực phẩm là nguyên nhân gây sâu răng.
Theo BS. Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba, mảng bám răng hình thành khi vi khuẩn trong miệng được trộn với thức ăn và đồ uống có đường hoặc tinh bột. Nếu mảng bám không được loại bỏ bằng cách đánh răng thường xuyên, nó có thể khiến men răng bị hư hại và cuối cùng gây ra sâu răng. Khi chúng ta ăn các loại thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, đặc biệt là thức ăn nhanh, bánh, kẹo, nước ngọt có gas. Mức độ cao của tinh bột và đường trong những thực phẩm này làm tăng lượng axit trong miệng. Những chất này làm mòn men răng và làm tăng nguy cơ bị sâu răng và các bệnh về nướu.
2. Các loại thực phẩm nên tránh để có nướu răng khỏe mạnh
2.1. Kẹo chua
Kẹo chua là một trong những loại kẹo tồi tệ nhất cho sức khỏe răng của bạn. Không giống như hầu hết các loại kẹo khác, kẹo chua chứa nhiều axit và do đó có thể phá vỡ men răng.
2.2. Kẹo dẻo
Các loại kẹo dai, dính và dẻo cũng có hại cho răng. Khi ăn chúng sẽ dính và bám vào răng của bạn lâu hơn. Kết quả nó càng bám dính lâu càng làm hỏng men răng và gây sâu răng.
2.3. Bánh mì
Khi bạn nhai bánh mì, nước bọt sẽ phá vỡ tinh bột biến nó thành đường. Những vụn bánh mì đó sẽ dính vào răng và ẩn trong những kẽ hở khó tiếp cận. Bánh mì và đường dính càng lâu thì vi khuẩn trong miệng bạn càng có nhiều thời gian tấn công phá hủy răng của bạn.
2.4. Khoai tây chiên
Giống như bánh mì, khoai tây chiên chứa đầy tinh bột, chúng sẽ trở thành đường sau khi bạn nhai chúng. Những loại đường đó bị mắc kẹt giữa răng của bạn, cung cấp cho vi khuẩn hình thành mảng bám trên răng. Ăn khoai tây chiên cũng làm tăng sản xuất axit khiến men răng bị hư hại.
2.5. Trái cây có tính axit
Trái cây có tính axit chủ yếu là trái cây họ cam quýt như chanh, cam, bưởi… Mặc dù chúng cung cấp lượng vitamin C dồi dào tốt cho sức khỏe. Nhưng trái cây họ cam quýt có chứa axit, nếu ăn quá nhiều hàm lượng axit của chúng có thể ăn mòn men răng và khiến răng của chúng ta dễ bị tổn thương.
2.6. Trái cây sấy khô
Giống như kẹo dính, trái cây sấy khô cũng có thể bám vào kẽ răng của bạn. Những loại trái cây này bao gồm: nho khô, mận khô, mơ khô… Khi chúng dính vào răng, chúng cũng để lại đường và hình thảnh mảng bám gây sâu răng.
2.7. Dưa chua
Dưa chua ngấm axit trong quá trình ngâm chua. Axit hoặc giấm làm cho dưa có vị mặn, chua. Tuy nhiên, lượng axit cao trong dưa chua có khả năng phá vỡ men răng tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công răng miệng.
2.8. Đồ uống có gas
Đồ uống có gas chứa một lượng lớn đường. Trên thực tế, uống một lượng lớn soda sẽ kích thích mảng bám tạo ra nhiều axit hơn và nó sẽ tấn công men răng của bạn.
Nếu bạn suốt ngày nhâm nhi nước ngọt có gas, hãy tưởng tượng răng của bạn được bao phủ bởi một lớp axit. Uống nước có gas cũng gây khô miệng và làm giảm tiết nước bọt.
Nước bọt là chất bảo vệ tự nhiên trong miệng chống lại axit, giúp trung hòa axit và tái khoáng hóa men răng. Nếu bạn không sản xuất đủ nước bọt, nguy cơ mất men răng sẽ tăng lên. Nước bọt cũng có tác dụng rửa trôi những vụn thực phẩm để thức ăn không dính vào răng, giúp tránh được nguy cơ của bệnh nướu răng, sâu răng và nhiễm trùng miệng.
Lạm dụng nước ngọt có gas gây hại men răng.