Khi học sinh chỉ được phép lên lớp, là khi căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục đã trở nên di căn, phá hoại mọi ý nghĩa của giáo dục.
Vừa qua, dư luận không ngừng xôn xao về câu chuyện học sinh lên lớp 6 vẫn không đọc được chữ tại Đồng Tháp. Người mẹ chỉ ước ao một điều: “Mong con biết đọc”, còn cậu bé lại quá ngỡ ngàng thốt lên: “Con cũng không biết vì sao con lại được lên lớp”.
Đáng buồn, đây không phải là trường hợp cá biệt! Cứ vài năm, lại rộ lên một câu chuyện ngồi nhầm lớp của học sinh, thậm chí, có em bị trường THCS trả về tiểu học, đã khiến không ít người cảm thấy “nhức nhối” với căn bệnh ngụy thành tích nan y trong ngành giáo dục.
Dư luận xôn xao vì học sinh lớp 6 không biết đọc, biết viết.
Năm 2016, tại Sóc Trăng, một học sinh lớp 6 bị một trường THCS trả về học lại chương trình lớp 1 tại trường tiểu học, nơi em đã từng theo học 5 năm vì không biết đọc và biết viết.
Năm 2019, một trường THCS tại tỉnh Hậu Giang cũng có tới 5 học sinh lớp 6, lớp 7 đọc yếu, viết còn kém, thậm chí có nhiều em không biết đọc, biết viết.
Việc học sinh đã tốt nghiệp tiểu học nhưng không biết chữ, đến nay, vốn đã chẳng còn là chuyện hiếm, không chỉ xảy ra cá biệt ở một trường mà xảy ra ở nhiều trường học khác, có điều một số nơi vẫn chưa bị phát hiện.
Câu hỏi đặt ra, trách nhiệm này thuộc về ai?
Những học sinh này, ngay từ cuối năm lớp 1 cũng đã không đọc và viết được. Thế nhưng, thay vì để các em học lại một năm để nắm lại kiến thức, cải thiện khả năng đọc, viết của mình, giáo viên và nhà trường lại “đẩy” các em lên lớp 2, vì thi đua của giáo viên, vì thành tích của nhà trường.
Thực trạng đáng buồn khi học sinh chỉ được phép lên lớp mà không có quyền được ở lại lớp, chỉ ở lại vài em cũng có thể khiến các chỉ tiêu để trường “có số, có má” đứng trước nguy cơ mất chuẩn, kéo theo hệ lụy cả một “hệ thống”. Hiện nay, nhiều trường học, đầu năm luôn đăng ký tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng ít nhất là 98%, trường mang danh hiệu chuẩn quốc gia luôn ở mức 99%, vậy thì cuối năm, sao có thể để học sinh ở lại lớp?
Vậy nên, mới có chuyện giáo viên và nhà trường chỉ muốn đẩy các em lên lớp đều đặn từng năm một, dù chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra.
Đáng nói, có những gia đình đáng lẽ phải để con học tập trong môi trường giáo dục chuyên biệt, nhưng lại nhất quyết cho con học hòa nhập, không chịu nhìn nhận thẳng vào vấn đề của con. Chính những trường hợp đó lại vô tình đặt thêm gánh nặng cho giáo viên và nhà trường.
Tôi từng chứng kiến, một cô bé chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam, trí lực không được như các bạn, nhưng gia đình vẫn một mực khẳng định con không sao và có nguyện vọng cho con học như những trẻ khác. Cô bé hoàn toàn không thể theo kịp các bạn, nhưng sau đó cũng bị đẩy lên đến lớp 6, trường THCS trả về trường tiểu học. Sau khi lớp trên trả về lớp dưới vẫn chưa đạt chuẩn, cô bé 13 t.uổi lại trở thành học sinh lớp 1.
Nhiều học sinh lên đến THCS vẫn chỉ viết được những dòng chữ nguệch ngoạc và sai chính tả như thế này.
Để học sinh không đọc được chữ lên đến lớp 6 là “tội ác” tinh thần với trẻ. Chưa kể, một số trường hợp sẽ có thể bị “đẩy” lên đến đại học nếu trường chỉ xét học bạ và các trường phổ thông đều làm việc một cách hình thức và nhăm nhe thành tích.
Thứ sâu mọt này sẽ chỉ khiến ngành giáo dục ngày càng nguy hại.
Có lẽ cũng vì những chiếc học bạ “không đáng tin” như vậy, mà ngày càng nhiều trường THCS tổ chức những kỳ thi tuyển sinh đầu cấp gắt gao, thậm chí, có “sức nóng” sánh ngang với các kỳ thi vào lớp 10 hay đại học. Áp lực thi cử ngày một nặng hơn!
Nếu còn những chuyện gian dối ngay trong môi trường giáo dục, xã hội làm sao có thể phát triển? Điều quan trọng nhất ngay lúc này, là làm sao để chữa căn bệnh ngụy thành tích, săn đón những chỉ tiêu thi đua phi thực tế, để trả lại quyền được học tập đúng với năng lực của học sinh.
Các Sở, phòng GD&ĐT cần sát sao hơn nữa trong việc rà soát chất lượng, nắm bắt thông tin từ phía các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, việc đến nông nỗi này một phần do hệ thống báo cáo “có vấn đề”, do đó cần triển khai song song một số đoàn liên ngành khảo sát thực tế, nắm bắt thông tin thực chứng, có dữ liệu cụ thể.
Song, từ thực tế, biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp chẳng có cách nào khác cần dẹp bỏ ngay các chỉ tiêu khống chế đối với các trường học như hiện nay.
Những người làm lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận, phải mạnh dạn sàng lọc, có hướng đi phù hợp cho nhóm học sinh có năng lực học tập yếu, kém. Không thể nhắm vào số lượng lớn mà bất chấp chất lượng.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!
Dạy nghề để cộng điểm ưu tiên xét tốt nghiệp phổ thông quá phi lý, Bộ có biết?
Học nghề trong trường trung học cơ sở chỉ mục đích… lấy điểm ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10.
Thời gian này, phần lớn các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc thi nghề cho học sinh lớp 11, lớp 12.
Chuyện học sinh học, thi nghề phổ thông mục tiêu ban đầu vô cùng tốt đẹp, nhằm định hướng nghề nghiệp theo sở thích cho học trò; giải quyết tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở nước ta.
Như thực tế có phải vậy không? Hay học và thi nghề chỉ là một biến tướng của bệnh ngụy thành tích trong giáo dục?
Có nên duy trì dạy nghề trong trường trung học phổ thông?
Trước đây, dạy nghề, học nghề được phát triển cả bậc trung học cơ sở. Từ ngày giấy chứng nhận nghề không còn được cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển sinh lớp 10, học nghề trong trường trung học cơ sở đã… hoàn toàn biến mất.
Điều này phản ánh một sự thật rất buồn, học sinh học nghề trong trường trung học cơ sở tuyệt đối không phải để… học nghề.
Học nghề trong trường trung học cơ sở không hề có tác dụng phân luồng nghề nghiệp sau bậc học trung học cơ sở. Học nghề trong trường trung học cơ sở chỉ mục đích… lấy điểm ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10.
Như vậy, chúng ta đã lãng phí nguồn tài lực, trí lực cho học nghề trong trường trung học cơ sở từ trước tới nay.
Dạy, học nghề trong trường phổ thông chỉ là bệnh thành tích? (Ảnh minh họa trên Giaoducthoidai.vn)
Với trường trung học phổ thông, việc học, dạy nghề cũng không khác mấy, hãy nghe chia sẻ của những người trong cuộc:
Phó hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại quận Tân Bình thừa nhận học sinh học nghề là để được cộng điểm khi thi vào lớp 10 và nhà trường cũng coi đó là mục tiêu chính và yêu cầu học sinh phấn đấu.
“Trường nào, giáo viên nào cũng biết học nghề như vậy nặng hình thức nhưng không thể làm khác được”. Vị hiệu phó này còn cho rằng bất cập của việc dạy nghề còn thể hiện ở chỗ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng và đầu tư thỏa đáng.
Ngoài ra, nội dung chương trình học chậm đổi mới và không phù hợp với đặc điểm từng địa phương; đội ngũ giảng dạy chủ yếu là kiêm nhiệm và học sinh bị áp lực học tập chính khóa nên chưa quan tâm mấy đến việc học nghề.
Ông Huỳnh Trọng Phúc nhận xét: “Dạy nghề cho học sinh là cần thiết nhưng mục đích chỉ để cộng điểm như hiện nay thì quá khập khiễng và lạc hậu.
Trường có điều kiện dạy môn gì thì học sinh được học môn đó. Còn các em chỉ chọn học môn gì nhanh, gọn và dễ được điểm cao thì coi như việc học nghề là vô bổ rồi!”. [1]
“Các trường vẫn phải duy trì vì sợ làm mất quyền lợi của học sinh nhưng cũng chỉ dạy theo kiểu thờ ơ, đối phó.
Chẳng hạn, thay vì phân bổ đều ở các tuần thì có trường dồn đến khi gần thi để cho học sinh học liên tục.
Đó là chưa kể học nghề thì phải gắn với thực hành nhưng cơ sở vật chất của nhiều trường không thể đáp ứng, học sinh học chay. Học sinh thành phố nhưng học về nông nghiệp, đất đai, phân tích mẫu đất… thì các em cũng chỉ học qua loa”. [2]
Đã đến lúc nên bỏ điểm khuyến khích của … giấy chứng nhận nghề
Điểm trung bình học bạ lớp 12 đang chiếm 30% cơ cấu điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, đã và đang thổi bùng phong trào… học bạ đẹp.
“Con gà tức nhau tiếng gáy”, nên các trường tổng kết lớp 12 rất thoáng, vừa “giúp” học trò đậu tốt nghiệp, vừa tô vẽ thành tích cho mình qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm.
Bên cạnh đó giấy chứng nhận nghề cũng là mục tiêu các trường muốn trang bị cho học trò, như một cái “phao” để cứu tốt nghiệp.
Để trả lại mục tiêu tốt đẹp của việc dạy nghề, nên bỏ điểm khuyến khích của … giấy chứng nhận nghề trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp.
Bỏ điểm học bạ, bỏ điểm khuyến khích của giấy chứng nhận nghề trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp sẽ làm cho kì thi tốt nghiệp phổ thông trở nên thực chất, góp phần phân luồng giáo dục tốt nhất sau trung học phổ thông.
Còn duy trì điểm ưu tiên của giấy chứng nhận học nghề trong điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng ta đang duy trì “ung nhọt” trong giáo dục.
Bỏ điểm ưu tiên của giấy chứng nhận học nghề trong điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ làm giảm tỷ lệ tốt nghiệp, nhưng đó là tỷ lệ thật.
Bỏ điểm ưu tiên của giấy chứng nhận học nghề trong điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông, việc này không khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm được.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://plo.vn/giao-duc/hoc-nghe-o-truong-pho-thong-qua-hinh-thuc-514416.html [2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-nghe-pho-thong-chi-de-cong-diem-20160404222108618.htm(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.