Tết Hàn thực là một điển tích của Trung Quốc nhưng từ lâu đã trở thành một nét riêng trong truyền thống của nhiều gia đình Việt Nam với cái tên dân giã là Tết bánh trôi, bánh chay.
Mặc dù nhiều gia đình có nếp thắp hương vào ngày mùng 1 Âm lịch hàng tháng nhưng đến ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch vẫn bày biện hương hoa và không quên nấu hoặc mua đĩa bánh trôi, bát bánh chay dâng lên tưởng nhớ gia tiên.
Dẫu cuộc sống bận rộn nhưng nhiều gia đình vẫn tranh thủ thời gian tự nhào bột, làm nhân hay giản đơn hơn thì mua ngoài chợ để mọi người trong nhà quây quần bên nhau nấu bánh trôi, bánh chay, hướng dẫn trẻ nhỏ trong nhà học cách nặn những viên bánh chay đầu tiên một cách thích thú, say sưa.
Nhà chị Lê Mai P. (Lương Sơn, Hòa Bình) dù nhiều việc đến mấy cũng cố gắng tập trung các con, cháu nấu bánh dâng lên tổ tiên. Thành kính tưởng nhớ tổ tiên, nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội chính là một nét truyền thống rất riêng trong văn hóa gia đình của nhiều người Việt Nam.
Quây quần nặn bánh trôi. Ảnh: T.V
Bánh trôi, bánh chay dễ làm
Những người có kinh nghiệm và cầu kỳ thường ngâm gạo nếp sau đó nghiền bột bằng cối đá rồi cho vào bao ép lấy phần bột và sấy khô, nghiền thành bột mịn. Cách làm này khá phức tạp và kỳ công so với cách làm thông thường là nghiền bột trực tiếp từ gạo khô. Tuy nhiên, điều khác biệt là bột được làm từ gạo ngâm sẽ dẻo thơm và không bị cứng khi để nguội.
Không quá cầu kỳ thì một số người lại mua bột làm sẵn, đường phên được xắt nhỏ thành từng viên ngoài chợ hoặc mua bột đóng gói trong các siêu thị và pha trộn theo hướng dẫn.
Mấy năm gần đây, bánh trôi ngày càng được sáng tạo như bánh trôi ngũ sắc được pha màu từ rau củ tự nhiên (gấc, lá dứa, lá cẩm, bột nghệ, hoa đậu biếc…) và tạo hình hoa, cá thay vì viên tròn đơn giản hay bánh trôi gạo lứt làm từ gạo lứt và đường phèn thay vì đường phên truyền thống.
Bánh trôi ngày càng phong phú về hình thức. Ảnh: Đoàn Thu Phương
Cửa hàng bánh trôi, bánh chay không lo ế
Ngoài những hàng quán bán bánh trôi, bánh chay quanh năm thì cứ đến ngày Tết Hàn thực lại xuất hiện nhiều người tranh thủ thời vụ để bán với đa dạng hình thức như bán online, bán ở vỉa hè góc phố.
Mặc dù rất nhiều người bán nhưng thực tế không lo ế vì nhu cầu mua cũng rất lớn. Ngay từ sáng sớm đã thấy nhiều người xếp hàng vây quanh gian hàng để mua bánh trôi, bánh chay về thắp hương.
Cô H. bán bánh trôi, bánh chay ở góc phố nhỏ Nghĩa Tân (Hà Nội) đã nhiều năm, ngày thường cô bán đều đều vài chục đĩa nhưng cứ ngày 3/3 Âm lịch, nhà cô phải huy động con cháu ra kê mâm nặn bánh, bắc bếp luộc bánh ngay tại chỗ để phục vụ bà con nhưng nhiều người đến muộn thường hết hàng.
Trên facebook cũng rất nhiều người tranh thủ bán thêm mặt hàng này, giá bán dao động khoảng 60 nghìn – 90 nghìn đồng/1 set đủ nguyên liệu. Rất nhiều chị em làm văn phòng tranh thủ đặt mua online vì tiện lợi, dễ dàng chế biến.
Ảnh: Thúy Bùi
Dinh dưỡng trong bánh trôi, bánh chay nên biết để ăn vừa đủ
Theo TS. Nguyễn Đức Quang, gạo nếp rất giàu dinh dưỡng: có protein, đường các loại, tinh bột, vitamin nhóm B (có nhiều trong cám gạo) và chất vô cơ…
Giá trị dinh dưỡng của 100 gam gạo nếp bao gồm: 74.9g glucid, 8.6g protid, 1.5g lipid, 14g nước, 0.6g xeluloza, 0.8g tro, 32mg canxi, 98mg photpho, 1.2mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP.
Gạo nếp giàu chất bột, thường được dùng chế biến các món xôi, chè hoặc làm các loại bánh như bánh chưng, bánh khảo, bánh rán, bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên, theo ThS.BSCK II Hà Phan Thắng, bánh trôi, bánh chay truyền thống làm từ gạo nếp và đường phên do đó những người bị đái tháo đường, béo phì không nên ăn. Những người có bệnh lý tiêu hóa, người cao tuổi và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn món này vì ăn nhiều có thể gây khó chịu, đầy bụng, khó tiêu.
Ngoài ra khi ăn bánh trôi, bánh chay là những thực phẩm dẻo, dính dễ gây nghẹn, hóc nên khi ăn chú ý không cười đùa hoặc nuốt chửng cả viên to.