Người bị bệnh gout thường được khuyên nên tránh các loại thực phẩm giàu đạm (protein) chứa nhiều purin như thịt đỏ, nội tạng động vật và một số loại hải sản. Trứng là thực phẩm chứa nhiều protein, vậy người mắc bệnh gout có phải kiêng ăn trứng không?
1. Chế độ ăn uống có tác động trực tiếp đến bệnh gout
Nguyên nhân gây bệnh gout là do lắng đọng các tinh thể muối urat hoặc tinh thể axit uric gây viêm các khớp. Các triệu chứng của bệnh gout xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu. Khi nồng độ axit uric cao, các tinh thể của nó có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.
Các cơn gout cấp thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3-10 ngày. Như vậy, chế độ ăn uống có thể có tác động trực tiếp đến bệnh gout và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Có một số loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng nồng độ axit uric gây tái phát cơn đau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh gout. Thực phẩm gây kích thích thường chứa nhiều purin, một chất được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm.
Purin được tìm thấy trong một số loại thực phẩm bao gồm thịt đỏ và thịt nội tạng. Hải sản giàu purin bao gồm: cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi, cá ngừ.
Khi bạn tiêu hóa purin, cơ thể sẽ tạo ra axit uric như một chất thải. Khi ăn thức ăn và đồ uống có nhiều purin sẽ tăng nguy cơ bị cơn gout cấp.
Bệnh gout gây sưng, viêm và đau dữ dội các khớp.
2. Lợi ích dinh dưỡng của trứng
Trứng là một loại thực phẩm chứa protein hoàn chỉnh, có nghĩa là chúng chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu mà cơ thể con người cần. Chúng cũng chứa chất béo, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng có lợi khác như folate, phospho, selenium, vitamin A, vitamin B2, vitamin B5, vitamin B12…
Hầu hết các chất dinh dưỡng đều tập trung trong lòng đỏ trứng. Lòng trắng trứng chủ yếu bao gồm protein. Lòng trắng cũng giàu khoáng chất dinh dưỡng như niacin, kali, riboflavin và magie, tốt cho sức khỏe tổng thể.
Lòng đỏ trứng ít protein hơn nhưng lại chứa nhiều vitamin A, B6, B12 và D, canxi, folate, đặc biệt là omega-3, cung cấp cholesterol, axit béo thiết yếu.
Thành phần dinh dưỡng trong 1 quả trứng lớn khoảng:
- Lượng calo: 72
- Tổng chất béo: 4,8g
- Tổng carbohydrate: 0,4g
- Chất đạm: 6,3g
- Natri: 71mg
- Kali: 69mg
- Cholesterol: 186mg
- Vitamin A: 160mcg
- Canxi: 24,1mg
- Sắt: 4,9% giá trị hàng ngày
3. Người mắc bệnh gout có ăn được trứng không?
Mặc dù những người bị bệnh gout nói chung nên tránh hoặc hạn chế protein động vật có hàm lượng purin cao như: thịt đỏ, nội tạng động vật, động vật có vỏ… nhưng họ vẫn có thể ăn một lượng vừa phải protein có hàm lượng purin thấp.
Không phải tất cả các loại thực phẩm giàu protein đều có hàm lượng purin cao. Có một số loại protein trong rau xanh và ngũ cốc đã được nghiên cứu cho thấy không có hại với người bị bệnh gout.
Trứng là thực phẩm rất tuy giàu protein nhưng an toàn cho những người bị bệnh gout vì chúng có hàm lượng purin thấp.
Nghiên cứu đã xem xét các nguồn protein khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến các đợt bùng phát ở những người mắc bệnh gout. Các sản phẩm từ trứng, sữa, trái cây… có lượng purin thấp. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa trứng, các sản phẩm từ sữa, quả hạch, hạt hoặc ngũ cốc và nguy cơ mắc bệnh gout.
Trứng rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Trứng là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Mặc dù nó có chứa lượng cholesterol đáng kể nhưng lại có tương quan thuận lợi giữa lecithin và cholesterol. Lecithin là một chất chuyển hóa cholesterol trong cơ thể người, có vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Do đó người mắc bệnh tim mạch hay có bệnh lý khác như gout đều có thể ăn trứng.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cách ăn trứng cụ thể đối với từng nhóm đối tượng như sau:
- Đối với người lớn tuổi mắc bệnh tim mạch, không ăn quá 2 quả trứng mỗi ngày.
- Trường hợp bị tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng. Tuy nhiên không ăn quá 1 quả/1 lần và 1 tuần không nên ăn quá 2 lần.
- Người mắc bệnh gout không nên ăn quá 3 quả trứng/tuần. Riêng với trứng ngỗng, người bị gout chỉ nên ăn 1 quả/tuần. Tuyệt đối không ăn các loại trứng lộn.
Cần lưu ý, để đảm bảo an toàn khi ăn trứng nên lựa chọn trứng có nguồn gốc xuất xứ và bảo quản đúng cách. Nấu chín kỹ trứng và thức ăn có chứa trứng. Không nên ăn trứng sống để phòng nhiễm khuẩn Salmonella. Loại vi khuẩn này được tìm thấy nhiều trên vỏ trứng và cả bên trong trứng.