Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết đang chuyển sang mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) ở t.rẻ e.m gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.
Ảnh: Nguyên Mi
TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay sạch với xà phòng thường xuyên.
Cảnh báo Tay Chân Miệng vào mùa, số ca bệnh nặng gia tăng
Tại Việt Nam, TCM là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố; thường ghi nhận số ca mắc cao vào khoảng từ tháng 4 – 5 và 9 – 10 hằng năm. Trong 4 tháng đầu năm, số ca mắc TCM đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2020.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay (ảnh), lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến t.ử v.ong, nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Theo Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cha mẹ, người trông giữ trẻ cần lưu ý 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh TCM diễn biến nặng.
1. Quấy khóc dai dẳng kéo dài. T rẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15 – 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 – 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng, nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
2. Sốt cao không hạ. Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là dấu hiệu cảnh báo viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh.
3. Giật mình. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, nên đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
Chống dịch bệnh Tay chân miệng xâm nhập vào trường mầm non
Bệnh Tay chân miệng (TCM) dễ xâm nhập vào trường học tạo thành dịch, đặc biệt là ở khối trường mầm non. Bệnh đang vào mùa, song song với phòng chống dịch COVID-19, các trường mầm non đang quyết tâm chống dịch bệnh TCM.
Kiểm tra trẻ trước khi vào trường học
Sáng 20/4, tại Trường mầm non 12, Quận 3, TP.HCM (điểm trường số 1), ngay ở cổng trường 2 giáo viên được bố trí đo thân nhiệt, thống kê lại thân nhiệt của trẻ. Trẻ sau khi được đo thân nhiệt, một cô giáo thực hiện kiểm tra kỹ ở 2 lòng bàn tay, cánh tay, các vị trí trên mặt, cổ của trẻ.
Trẻ cũng được hướng dẫn há miệng để kiểm tra bên trong vòm việng. Hoàn tất quá trình kiểm tra đầu vào, trẻ được hướng dẫn sang bồn rửa tay ở cạnh đó, được giáo viên hướng dẫn và giám sát rửa tay bằng nước và xà phòng. Sau rửa tay và lau khô, trẻ được vào lớp học, được bảo mẫu cho ăn sáng, sinh hoạt như thường quy.
Trẻ được đo thân nhiệt trước khi vào trường học tại Trường Mầm non 12, Quận 3, TP.HCM. Ảnh: H.T
Cô Nguyễn Ngô Thị Ngọc Hiền – Phó hiệu trưởng Trường mầm non 12 cho biết, điểm trường chính trước đây đang được xây mới, do đó 3 năm nay trường chuyển đến địa chỉ hiện nay. Do lượng trẻ đông trong khi cơ sở vật chất ở trường có hạn nên nhà trường đã chia ra 2 điểm trường (điểm trường số 1 đang quản lý 120 trẻ, điểm trường số 2 quản lý khoảng 60 trẻ).
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, và sự phối hợp của ngành GD-ĐT và ngành y tế, thời gian vừa qua ở cả 2 điểm trường đều nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các biện pháp đó được duy trì cho đến nay.
Hiện nay, bệnh TCM đang vào mùa, được cảnh báo gia tăng cả số ca bệnh lẫn số ca bệnh TCM độ nặng, bên cạnh các biện pháp “5K” phòng chống COVID-19 (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế), nhà trường đã đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh TCM xâm nhập vào trường học. Cụ thể nhà trường giao nhiệm vụ cho các giáo viên đã được tập huấn, có kinh nghiệm nhận diện các dấu hiệu nghi ngờ ở trẻ túc trực ở cổng trường để kiểm tra đầu vào của trẻ.
Trẻ được kiểm tra ở lòng bàn tay, cánh tay, mặt và vòm miệng… Các trẻ có biểu hiện nghi ngờ như: nổi ban đỏ, mụn nước ở các vị trí trên sẽ được hướng dẫn đến phòng y tế của trường. Nhân viên y tế trường sẽ kiểm tra lại. Trường hợp xác định trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, nhà trường sẽ thông báo với y tế phường và gia đình để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị, hạn chế tối đa lây lan bệnh ra cộng đồng và trong trường học.
Kiểm tra các vị trí tay, chân, mặt, vòm miệng của trẻ để phát hiện các biểu hiện nghi ngờ bệnh. Ảnh: H.T
Ngoài các bồn rửa tay đã được trang bị đầy đủ từ trước, nhà trường trang bị thêm nhiều bồn rửa tay khô và vị trí đặt dung dịch sát khuẩn. Trẻ được bảo mẫu hướng dẫn và giám sát vệ sinh tay thường xuyên trong ngày. Ngoài đo thân nhiệt đầu vào, trẻ được theo dõi thân nhiệt tại lớp vào trước giờ ăn trưa và sau khi ngủ trưa. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ với thực đơn bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng, nhắc nhở trẻ uống nước, bổ sung nước trái cây cho trẻ.
Về công tác vệ sinh môi trường lớp học, trường học, đồ chơi của trẻ, nhân viên trường nhà trường thực hiện vệ sinh thường quy mỗi ngày. Biện pháp phun khử khuẩn được thực hiện mỗi tuần một lần, trong trường hợp nhà trường có ca bệnh hoặc thời điểm hoặc cao điểm của dịch bệnh việc phun khử khuẩn sẽ được nâng cao lên mỗi ngày.
Đảm bảo an toàn trường học
Chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã và đang được triển khai tại nhà trường, cô Nguyễn Ngô Thị Ngọc Hiền cho biết: Những năm học trước, tại nhà trường cũng xuất hiện một số ca bệnh, trong đó có TCM. Gần đây nhất, khoảng tháng 11/2020 tại điểm trường số 1 xuất hiện 2 ca TCM, ở điểm trường số 2 có 1 trẻ mắc TCM. Các trẻ đều được nhận diện sớm và cách ly, điều trị sớm, do đó sức khoẻ của bé sớm ổn định trở lại đồng thời không có tình trạng lây lan bệnh cho những trẻ khác.
Ở khối mầm non vai trò của giáo viên, bảo mẫu rất quan trọng, thường xuyên hướng dẫn hỗ trợ rửa tay, vệ sinh cá nhân. Ảnh: H.T
Hiện nay, việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở trên không chỉ góp phần vào phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà phòng chống hiệu quả bệnh TCM và các dịch bệnh thường quy khác, đảm bảo trường học an toàn, phụ huynh được yên tâm.
Về phòng chống bệnh TCM ở khối mầm non, bà Vũ Thị Tố Loan – Phó trưởng phòng GD-ĐT Quận Bình Thạnh, phụ trách khối Mầm non cũng cho biết, trên địa bàn có 25 tường mầm non công lập, quản lý khoảng hơn 6.000 trẻ. Theo chỉ đạo của các cấp, Phòng GD-ĐT Quận Bình Thạnh vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng ngành y tế hỗ trợ các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Đối với khối mầm non, vai trò của giáo viên, bảo mẫu rất quan trọng. Giáo viên, bảo mẫu đã được tập huấn nhiều lần về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhận diện trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bệnh. Cho đến nay, việc triển khai các biện pháp được các nhà trường nghiêm chỉnh thực hiện, chưa có trường hợp trẻ mắc TCM. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung, bệnh TCM nói riêng sẽ được tiếp tục giữ vững trong thời gian tới, đảm bảo môi trường trường học an toàn cho trẻ.