Buồn nôn là cảm giác nôn nao hoặc khó chịu ở dạ dày, khiến bạn luôn muốn nôn ói hoặc chán ăn. Trong các trường hợp buồn nôn nhẹ và tạm thời có thể cải thiện bằng cách lựa chọn thực phẩm và đồ uống phù hợp.
1. Nguyên nhân có thể dẫn đến buồn nôn
Nội dung
Buồn nôn là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Bởi vì nó có rất nhiều nguyên nhân nên hầu hết mọi người đều cảm thấy buồn nôn vào một thời điểm nào đó.
Phần lớn phụ nữ mang thai trong những tháng đầu của thai kỳ cảm thấy buồn nôn. Nguyên nhân do sự thay đổi hormone sinh sản, đồng thời là dấu hiệu cảnh báo mang thai.
Buồn nôn cũng là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai và có thể xảy ra khi đến kỳ kinh nguyệt, cũng do thay đổi cân bằng hormone.
Nhiều vấn đề của cơ quan tiêu hóa có thể gây buồn nôn, phổ biến là tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản, viêm ruột thừa, loét dạ dày, các vấn đề về túi mật, ngộ độc thực phẩm…
Buồn nôn là một triệu chứng phổ biến khi bị say tàu xe. Ngoài ra, nhiễm trùng, nhiễm virus và vi khuẩn đều có thể gây buồn nôn như viêm dạ dày, ruột, cúm…
Nhiều loại thuốc điều trị bệnh gây ra tác dụng phụ là buồn nôn. Nguy cơ buồn nôn tăng lên khi dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Đặc biệt, điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị thường gây buồn nôn. Sau khi phẫu thuật, một số người cũng cảm thấy buồn nôn do phản ứng với thuốc mê…
Buồn nôn khiến bạn luôn muốn nôn ói hoặc chán ăn.
2. Làm gì khi bạn cảm thấy buồn nôn?
Buồn nôn là tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, dùng thuốc, phẫu thuật, say tàu xe… Tình trạng này có thể nhẹ và tạm thời nhưng cũng có thể rất nghiêm trọng trong các bệnh lý chấn thương não, tăng nhãn áp, đau nửa đầu, viêm màng não, khối u não, đột quỵ…
Do đó bạn không nên chủ quan vì buồn nôn đôi khi là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng cần đi khám và điều trị. Đối với trường hợp buồn nôn nhẹ và tạm thời, các chuyên gia y tế khuyên bạn cần nghỉ ngơi, uống đủ nước và ăn uống đủ dinh dưỡng để duy trì sức khỏe giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Có thể sử dụng các biện pháp tự nhiên như ăn thức ăn nhạt, mềm, dễ tiêu hóa, uống trà gừng, trà bạc hà… giúp ổn định dạ dày và giảm cơn buồn nôn.
Đối với trường hợp buồn nôn hoặc nôn do tác dụng phụ của thuốc sau hóa trị ung thư, theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, chuyên khoa Dinh dưỡng, Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, người bệnh nên dùng thức ăn khô, ít có mùi, tránh món ăn chiên xào, ăn ở xa nơi chế biến để tránh ngửi thấy mùi dầu mỡ gây buồn nôn. Nên chia nhỏ bữa ăn, không nằm sau ăn. Uống nước gừng ấm hay ăn kẹo bạc hà để giảm cảm giác buồn nôn.
Trong trường hợp hoàn toàn không ăn được do nôn thì người bệnh uống nước đường, nước trái cây để bổ sung năng lượng và gặp bác sĩ điều trị để được can thiệp điều trị nôn bằng thuốc.
3. Những thực phẩm có thể làm giảm cảm giác buồn nôn
3.1. Thực phẩm khô giàu tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột có thể hấp thụ axit dạ dày, làm dịu cơn đau dạ dày, trào ngược axit và giảm buồn nôn. Những thực phẩm khô thường ít hoặc không có mùi, giúp bạn dễ dàng nhâm nhi mà không bị buồn nôn. Bạn có thể lựa chọn: bánh quy giòn, bánh mì trắng khô, bánh gạo, bánh yến mạch…
3.2. Thực phẩm mát và lạnh
Ngoài tác dụng làm dễ chịu dạ dày, thức ăn mát và lạnh có ít mùi hơn, vì vậy chúng ít có khả năng gây buồn nôn. Hãy thử nhiều loại thực phẩm như: kem, trái cây ướp lạnh, sữa chua, sinh tố, mỳ lạnh…
3.3. Thực phẩm giàu protein
Để duy trì năng lượng, điều cần thiết là phải cung cấp thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein. Protein giúp cơ thể tạo ra các enzym tiêu hóa thức ăn, giúp giảm buồn nôn và nôn.
Bạn nên chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng và protein bao gồm: Cá, thịt gà, trứng, sữa, sữa chua không đường, sữa chua Hy Lạp…
Uống trà gừng giúp giảm buồn nôn hiệu quả.
3.4. Trà thảo mộc
– Trà gừng: Gừng là loại thảo mộc phổ biến nhất có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giải độc, giảm buồn nôn, hỗ trợ điều trị cảm lạnh, cúm, giúp cơ thể tăng cường miễn dịch và nhanh hồi phục.
Gừng giúp làm dịu các cơn co thắt khi dạ dày trống rỗng và làm giảm cảm giác buồn nôn. Do đó, nó rất hiệu quả trong việc giảm cường độ và tần suất buồn nôn do ốm nghén, say sóng và buồn nôn do hóa trị liệu.
– Trà bạc hà: Tinh dầu bạc hà có vị cay thơm, giúp giảm stress thần kinh, trị đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi…
Nghiên cứu cho thấy, tinh dầu bạc hà có tác dụng giảm buồn nôn và dịu đường tiêu hóa, tốt cho người bị buồn nôn do hóa trị liệu ung thư và sau phẫu thuật. Uống trà bạc hà cũng là liệu pháp thư giãn, làm dịu cơn đau và giảm căng thẳng.