Chống dịch bệnh Tay chân miệng xâm nhập vào trường mầm non

Bệnh Tay chân miệng (TCM) dễ xâm nhập vào trường học tạo thành dịch, đặc biệt là ở khối trường mầm non. Bệnh đang vào mùa, song song với phòng chống dịch COVID-19, các trường mầm non đang quyết tâm chống dịch bệnh TCM.

Kiểm tra trẻ trước khi vào trường học

Sáng 20/4, tại Trường mầm non 12, Quận 3, TP.HCM (điểm trường số 1), ngay ở cổng trường 2 giáo viên được bố trí đo thân nhiệt, thống kê lại thân nhiệt của trẻ. Trẻ sau khi được đo thân nhiệt, một cô giáo thực hiện kiểm tra kỹ ở 2 lòng bàn tay, cánh tay, các vị trí trên mặt, cổ của trẻ.

Trẻ cũng được hướng dẫn há miệng để kiểm tra bên trong vòm việng. Hoàn tất quá trình kiểm tra đầu vào, trẻ được hướng dẫn sang bồn rửa tay ở cạnh đó, được giáo viên hướng dẫn và giám sát rửa tay bằng nước và xà phòng. Sau rửa tay và lau khô, trẻ được vào lớp học, được bảo mẫu cho ăn sáng, sinh hoạt như thường quy.

chong dich benh tay chan mieng xam nhap vao truong mam non d52 5718043

Trẻ được đo thân nhiệt trước khi vào trường học tại Trường Mầm non 12, Quận 3, TP.HCM. Ảnh: H.T

Cô Nguyễn Ngô Thị Ngọc Hiền – Phó hiệu trưởng Trường mầm non 12 cho biết, điểm trường chính trước đây đang được xây mới, do đó 3 năm nay trường chuyển đến địa chỉ hiện nay. Do lượng trẻ đông trong khi cơ sở vật chất ở trường có hạn nên nhà trường đã chia ra 2 điểm trường (điểm trường số 1 đang quản lý 120 trẻ, điểm trường số 2 quản lý khoảng 60 trẻ).

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, và sự phối hợp của ngành GD-ĐT và ngành y tế, thời gian vừa qua ở cả 2 điểm trường đều nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các biện pháp đó được duy trì cho đến nay.

Hiện nay, bệnh TCM đang vào mùa, được cảnh báo gia tăng cả số ca bệnh lẫn số ca bệnh TCM độ nặng, bên cạnh các biện pháp “5K” phòng chống COVID-19 (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế), nhà trường đã đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh TCM xâm nhập vào trường học. Cụ thể nhà trường giao nhiệm vụ cho các giáo viên đã được tập huấn, có kinh nghiệm nhận diện các dấu hiệu nghi ngờ ở trẻ túc trực ở cổng trường để kiểm tra đầu vào của trẻ.

Trẻ được kiểm tra ở lòng bàn tay, cánh tay, mặt và vòm miệng… Các trẻ có biểu hiện nghi ngờ như: nổi ban đỏ, mụn nước ở các vị trí trên sẽ được hướng dẫn đến phòng y tế của trường. Nhân viên y tế trường sẽ kiểm tra lại. Trường hợp xác định trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, nhà trường sẽ thông báo với y tế phường và gia đình để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị, hạn chế tối đa lây lan bệnh ra cộng đồng và trong trường học.

chong dich benh tay chan mieng xam nhap vao truong mam non f47 5718043

Kiểm tra các vị trí tay, chân, mặt, vòm miệng của trẻ để phát hiện các biểu hiện nghi ngờ bệnh. Ảnh: H.T

Ngoài các bồn rửa tay đã được trang bị đầy đủ từ trước, nhà trường trang bị thêm nhiều bồn rửa tay khô và vị trí đặt dung dịch sát khuẩn. Trẻ được bảo mẫu hướng dẫn và giám sát vệ sinh tay thường xuyên trong ngày. Ngoài đo thân nhiệt đầu vào, trẻ được theo dõi thân nhiệt tại lớp vào trước giờ ăn trưa và sau khi ngủ trưa. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ với thực đơn bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng, nhắc nhở trẻ uống nước, bổ sung nước trái cây cho trẻ.

Về công tác vệ sinh môi trường lớp học, trường học, đồ chơi của trẻ, nhân viên trường nhà trường thực hiện vệ sinh thường quy mỗi ngày. Biện pháp phun khử khuẩn được thực hiện mỗi tuần một lần, trong trường hợp nhà trường có ca bệnh hoặc thời điểm hoặc cao điểm của dịch bệnh việc phun khử khuẩn sẽ được nâng cao lên mỗi ngày.

Đảm bảo an toàn trường học

Chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã và đang được triển khai tại nhà trường, cô Nguyễn Ngô Thị Ngọc Hiền cho biết: Những năm học trước, tại nhà trường cũng xuất hiện một số ca bệnh, trong đó có TCM. Gần đây nhất, khoảng tháng 11/2020 tại điểm trường số 1 xuất hiện 2 ca TCM, ở điểm trường số 2 có 1 trẻ mắc TCM. Các trẻ đều được nhận diện sớm và cách ly, điều trị sớm, do đó sức khoẻ của bé sớm ổn định trở lại đồng thời không có tình trạng lây lan bệnh cho những trẻ khác.

chong dich benh tay chan mieng xam nhap vao truong mam non be3 5718043

Ở khối mầm non vai trò của giáo viên, bảo mẫu rất quan trọng, thường xuyên hướng dẫn hỗ trợ rửa tay, vệ sinh cá nhân. Ảnh: H.T

Hiện nay, việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở trên không chỉ góp phần vào phòng chống dịch bệnh COVID-19 mà phòng chống hiệu quả bệnh TCM và các dịch bệnh thường quy khác, đảm bảo trường học an toàn, phụ huynh được yên tâm.

Về phòng chống bệnh TCM ở khối mầm non, bà Vũ Thị Tố Loan – Phó trưởng phòng GD-ĐT Quận Bình Thạnh, phụ trách khối Mầm non cũng cho biết, trên địa bàn có 25 tường mầm non công lập, quản lý khoảng hơn 6.000 trẻ. Theo chỉ đạo của các cấp, Phòng GD-ĐT Quận Bình Thạnh vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng ngành y tế hỗ trợ các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với khối mầm non, vai trò của giáo viên, bảo mẫu rất quan trọng. Giáo viên, bảo mẫu đã được tập huấn nhiều lần về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhận diện trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bệnh. Cho đến nay, việc triển khai các biện pháp được các nhà trường nghiêm chỉnh thực hiện, chưa có trường hợp trẻ mắc TCM. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung, bệnh TCM nói riêng sẽ được tiếp tục giữ vững trong thời gian tới, đảm bảo môi trường trường học an toàn cho trẻ.

Quảng Nam chỉ đạo khẩn phòng bệnh tay – chân – miệng

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay – chân – miêng (TCM) ở Quảng Nam, UBND tỉnh này đã chính thức ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các cơ quan, ban ngành, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam phải khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng bệnh.

quang nam chi dao khan phong benh tay chan mieng 078 5704952

Hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay sạch để phòng bệnh TCM.

Báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam cho thấy, đến hết ngày 31/3/2021 đã ghi nhận 282 trường hợp TCM mắc mới (tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, cao thứ 3 khu vực miền Trung). Một số địa phương có số mắc cao như Điện Bàn (51 ca), Duy Xuyên (39 ca), Núi Thành (37 ca), Thăng Bình (25 ca)… Đặc biệt, một số ca bệnh đã chuyển biến nặng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng cho trẻ nhỏ.

Để ngăn chặn bệnh lây lan, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, Sở Y tế Quảng Nam phải yêu cầu hệ thống y tế tuyến huyện theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, khống chế ca bệnh, quyết tâm không để bùng phát dịch.

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải quản lý tốt các ca bệnh, điều trị bệnh nhân sớm nhất theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM tại Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ Y tế. Kịp thời tiếp nhận, không được chậm trễ, hạn chế tối đa biến chứng và t.ử v.ong do bệnh TCM gây ra.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam phải chỉ đạo nhanh Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trường học (đặc biệt là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp chặt chẽ với chính quyền, với ngành y tế ở địa phương triển khai các biện pháp thiết thực phòng ngừa bệnh TCM trong môi trường giáo dục.

Các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam phải tức tốc vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh TCM ngay tại hộ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mầm non, trường mẫu giáo trên địa bàn mình phụ trách. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ, nhất là ở những nơi đã phát sinh ca bệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *